Cải cách thủ tục hành chính hải quan: Nhiều chỉ số tiếp tục cải thiện

0
1666

[ad_1]

Chủ trì hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, Phó Tổng thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh. 

DN đánh giá tích cực 

Tại buổi hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho rằng, những đánh giá của DN khích lệ ngành Hải quan tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách TTHC hải quan. Trong những năm qua, ngành Hải quan đã nỗ lực cải cách hiện đại hóa theo hướng công khai, minh bạch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào các quy trình thủ tục, áp dụng phương pháp quản lý hiện đại; tăng cường kỷ cương, kỷ luật CBCC hải quan… 

Theo Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh, Hải quan Việt Nam đóng một vai trò then chốt, giúp các DN XK, NK tiếp cận thị trường thế giới với nhiều cơ hội rộng mở để phát triển sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho Việt Nam. Để thực hiện vai trò này, ngành Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho DN theo đúng tinh thần, yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 19/NQ-CP. Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh cho rằng, một số bộ ngành còn chậm chễ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là việc cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. 

Thông tin về kết quả khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, cuộc khảo sát DN năm 2016 sử dụng phương pháp điều tra qua thư. Tương tự như 3 cuộc khảo sát trước đây, khảo sát năm 2016 sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên đối với những DN có thực hiện hoạt động XNK, đảm bảo mang tính đại diện, thông tin DN cung cấp là những trải nghiệm thực sự và trực tiếp của DN trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Khảo sát năm 2016 nhận được 1.035 phiếu trả lời. Bên cạnh các chỉ số khảo sát thường niên gồm: Tiếp cận thông tin quy định về hải quan và TTHC hải quan; thực hiện TTHC hải quan; thủ tục thông quan; thủ tục quản lý thuế; thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại; sự phục vụ của công chức hải quan, cuộc khảo sát năm 2016 có hai chỉ số khảo sát mới gồm: Kiểm tra chuyên ngành; cơ chế một cửa quốc gia.

Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2016 DN tiếp tục ghi nhận những cải cách TTHC hải quan, nhiều nội dung có sự cải thiện đáng kể so với năm 2015. 

Về phương diện tiếp cận thông tin quy định về hải quan và TTHC hải quan, các DN tham gia cuộc khảo sát năm 2016 đánh giá tích cực về các phương thức tiếp cận thông tin về TTHC hải quan. Cụ thể, có trên 90% DN hài lòng/hoàn toàn hài lòng về việc tiếp cận thông tin TTHC hải quan qua trang web hải quan, cũng như các lớp tập huấn hoặc đối thoại hải quan. Về đánh giá thông tin TTHC hải quan mà DN đã tiếp cận, 86% DN cho biết cơ quan Hải quan cung cấp thông tin thống nhất, 84% đánh giá thông tin sẵn có, dễ tìm và 87% DN cho biết các biểu mẫu TTHC hải quan dễ điền, 77% DN cho biết cơ quan Hải quan cung cấp thông tin cho DN nhanh chóng, kịp thời và 74% DN cho biết thông tin đơn giản, dễ hiểu. Hai khía cạnh được cải thiện đáng kể so với năm 2015 là tiêu chí đánh giá biểu mẫu TTHC hải quan dễ điền (tăng 10%) và thông tin cơ quan Hải quan cung cấp là thống nhất (tăng 9%).

Đối với việc thực hiện thủ tục hải quan, khảo sát năm 2016 đề nghị các DN đánh giá mức độ dễ dàng trong việc thực hiện: TTHC hải quan; khó khăn cụ thể trong thực hiện thủ tục thông quan; thủ tục xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát; thủ tục quản lý thuế; thủ tục kiểm tra sau thông quan; hỗ trợ giải quyết khó khăn trong thực hiện TTHC. 

Kết quả khảo sát cho thấy, phần đông DN cho rằng thực hiện những  thủ tục hành chính không quá khó, chỉ mức bình thường. Thủ tục nộp thuế có tỷ lệ doanh nghiệp cho biết là dễ thực hiện cao nhất, 29%, kế đến là kiểm tra hồ sơ (12%). Tuy nhiên, một số thủ tục có tỷ lệ DN đánh giá là khó thực hiện còn tương đối cao: thủ tục hoàn thuế (29%), thủ tục xét miễn thuế (26%), giải quyết khiếu nại (21%). Một số lĩnh vực, tỷ lệ DN gặp khó khăn đã giảm so với năm 2015, gồm: Kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, thủ tục xét miễn thuế, thủ tục hoàn thuế, không thu thuế. Tuy nhiên, tỷ lệ DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm tra sau thông quan lại tăng lên. 

Khảo sát về sự phục vụ của công chức hải quan, có 5 tiêu chí được đưa ra gồm: Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; văn minh lịch sự; coi DN là đối tác hợp tác; công tâm, tận tụy; nhanh chóng, chính xác. Kết quả khảo sát cho thấy, có 37% doanh nghiệp đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương của cán bộ hải quan (ứng xử văn minh lịch sự và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ) là cao/rất cao. Những tiêu chí còn lại, tỷ lệ ở mức 28-30%. Đánh giá về kỹ năng giải quyết công việc, kết quả điều tra năm 2016 cho thấy, các DN đã đánh giá tích cực hơn về kỹ năng giải quyết công việc của công chức hải quan so với năm 2015 trong các thủ tục quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, thủ tục thông quan lại chưa được DN đánh giá cao so với khảo sát năm trước.

Quy định kiểm tra chuyên ngành quá nhiều 

Trong khảo sát năm 2016, kiểm tra chuyên ngành là một trong hai chỉ số mới. Đây là vấn đề mà nhiều DN gặp vướng mắc, khó khăn. Nhiều bất cập trong kiểm tra chuyên ngành đã được các DN chỉ ra trong khảo sát 2016. Cụ thể, 93% DN cho biết các quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, lại nằm ở nhiều văn bản khác nhau, nên rất khó cho DN nắm bắt thông tin và tuân thủ. Kế đến 89% cho rằng nhiều quy định không phù hợp thực tế và 82% DN nhận thấy việc phối hợp giữa các cơ quan chưa nhịp nhàng. Đáng lưu ý, 81% DN cho rằng thời gian kiểm tra theo quy định quá dài. 72% DN cho biết việc chia sẻ thông tin kết quả giữa các cơ quan là chưa tốt, do vậy DN lại mất thêm thời gian để chờ đợi. Cũng có 68% DN cho biết thời gian kiểm tra bị kéo dài so với quy định. 

Dù có một tỷ lệ lớn các DN cho biết việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực này là bình thường, nhưng xét về tỷ lệ DN đánh giá khó/rất khó, kiểm tra văn hóa đứng đầu bảng (59%), tiếp đến là kiểm tra ngành y tế (40%) và kiểm dịch động vật (36%). Một số lĩnh vực khác có trên 20% DN đánh giá là khó/rất khó, bao gồm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (29%) và kiểm tra chất lượng (25%).

Về chỉ số khảo sát đánh giá thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, khảo sát năm 2016, trong 1.035 DN trả lời khảo sát có 35% DN cho biết họ đã từng thực hiện TTHC trên cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia. Theo đó, có 35% DN dân doanh, 34% DN FDI và 32% DNNN từng thực hiện thủ tục qua đây. Đánh giá về quá trình thực hiện thủ tục trên cổng thông tin cơ chế một cửa quốc gia, trong số các DN từng thực hiện thủ tục qua cổng này, có 49% DN cho biết hoàn toàn thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn có 49% DN cho biết có thuận lợi, song cũng có những vướng mắc nhất định. Chỉ 2% DN cho biết hoàn toàn gặp vướng mắc khi thực hiện thủ tục qua Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia.

Để tiếp tục cải cách TTHC hải quan, tại hội nghị các ý kiến của đại biểu đề nghị ngành Hải quan trong thời gian tới tiếp tục cải cách hơn nữa tập trung một số lĩnh vực: Tiếp tục đơn giản hóa TTHC; nâng cao chất lượng cung cấp thông tin; tăng cường quan hệ đối tác hải quan-DN; ứng dụng CNTT và tiếp tục đẩy mạnh công khai minh bạch trong thực hiện thủ tục hải quan cho DN.

[ad_2]
Nguồn liên kết

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here