Báo Hải quan phiên bản tiếng Anh: Một năm với nhiều nỗ lực

0
1498

[ad_1]

(HQ Online)- Ngày 29/7/2016, Báo Hải quan chính thức ra mắt phiên bản tiếng Anh của Báo Hải quan điện tử (http://customsnews.vn). Gần 1 năm sau ngày ra mắt, phiên bản tiếng Anh của Báo Hải quan điện tử dần khẳng định sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan- là kênh thông tin chính xác, nhanh chóng, tin cậy về lĩnh vực hải quan, tài chính – ngân sách, thuế và đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, giao lưu thương mại quốc tế…

“Gian nan” những bước đi đầu tiên

Customsnews – phiên bản tiếng Anh của Báo Hải quan điện tử ra đời mang theo kỳ vọng và tâm huyết của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan. Với việc ra đời phiên bản tiếng Anh của Báo Hải quan điện tử, Tổng cục Hải quan có thêm kênh thông tin để cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp, hành khách xuất nhập cảnh, người dân về chế độ chính sách, quy định trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực tài chính – ngân sách; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội nổi bật trong nước và quốc tế; đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu, giao lưu thương mại và hội nhập quốc tế; mọi mặt hoạt động của ngành Tài chính, của Hải quan Việt Nam và những thông tin của Hải quan các nước và các Tổ chức quốc tế có liên quan.

Báo Hải quan điện tử phiên bản tiếng Anh ra đời với mong muốn trở thành một diễn đàn góp phần sửa đổi và hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là pháp luật về hải quan và các chính sách pháp luật liên quan đến công tác tài chính, công tác hải quan; phê phán đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong thực thi pháp luật. Qua đó góp phần tăng cường hơn nữa việc công khai và minh bạch thông tin về lĩnh vực quản lý tài chính – ngân sách, quản lý về hải quan.

Trước khi chính thức khai trương Customsnews, Ban biên tập cũng mất một khoảng thời gian khá dài cùng các biên dịch viên xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu cho trang web. Customsnews được xây dựng với 7 chuyên mục chính, đó là: Headlines (tin tức thời sự-chính trị trong nước và quốc tế); Customs (tin tức về các mặt hoạt động của Hải quan Việt Nam); Finance (tin tức về lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân sách…), Regulations (tin tức về chính sách pháp luật); Anti-Smuggling (tin tức về chống buôn lậu, gian lận thương mại); Import- Export (tin tức về hoạt động xuất nhập khẩu); World Customs (tin tức về Hải quan thế giới).

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lại nằm ở chính chuyên mục “Customs” (Hải quan). Bởi lẽ, từ trước tới nay, những thông tin liên quan tới Hải quan Việt Nam được dịch sang ngôn ngữ tiếng Anh là rất hiếm. Chưa kể tới việc, những hoạt động nghiệp vụ, chuyên ngành trong lĩnh vực hải quan khá phức tạp, đòi hỏi người dịch phải dành nhiều thời gian, tâm sức tìm hiểu mới có thể diễn đạt, trình bày nội dung một cách ngắn gọn, dễ hiểu tới người đọc.

Chỉ với số lượng ít ỏi nguồn tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh ở trong nước, các biên dịch viên bắt đầu “mày mò”, tìm kiếm những bài viết bằng tiếng Anh trên website của Hải quan Hoa Kỳ, Úc, Hong Kong, Pakistan… và thậm chí cả những bài luận văn viết bằng tiếng Anh về lĩnh vực hải quan.

Thời gian đầu, tôi đã được Tòa soạn giới thiệu làm việc với chuyên gia hiệu đính người Úc, ông David Whitehead – Hội trưởng Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam. Là một người giảng dạy trong lĩnh vực hải quan tại Việt Nam, ông David đã giúp đỡ và chỉ bảo cho tôi khá nhiều. Những bản dịch của tôi và các biên dịch khác trong Tòa soạn đều được ông sửa khá chỉn chu và kịp thời. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của Hải quan Việt Nam có những nét đặc trưng riêng, khác với Hải quan Úc nên chính chuyên gia người Úc cũng đã gặp không ít khó khăn trong việc trao đổi thông tin và hiệu đính các bản dịch. Cũng đã có không ít bài dịch của các biên dịch viên bị chuyên gia gửi trả lại cũng vì sự bất đồng đó. Dù là lý do gì đi nữa, đối với một biên dịch viên mà nói, bất kỳ một bản dịch nào không thể hoàn thành một cách trọn vẹn, cũng đều là một sự thất bại.

Jack Ma – vị tỷ phú nổi tiếng thế giới đã từng nói: “Trước 30 tuổi, hãy cứ sai lầm đi, nhưng hãy cố gắng tìm cho mình một người thầy thật giỏi, bạn sẽ học được cách làm việc bằng đam mê và khao khát. Người thầy giỏi sẽ dạy chúng ta rất khác”. May mắn thay, trong khoảng thời gian đó, tôi “tình cờ” được biết chị trong một lần làm việc qua email. Chị ngỏ ý nhờ tôi dịch giúp chị một bài viết vì chị quá bận. Biết chị là một người nhanh nhạy và sử dụng ngoại ngữ khá thành thạo, tôi gửi lại chị bản dịch của mình một cách đầy tự tin. Và rồi, cái cách mà chị chỉnh sửa bản dịch của tôi đã khiến tôi thực sự cảm thấy thán phục. Tất cả những đoạn tôi dịch chưa sát với nội dung bản gốc đều được chị chú thích lại, những từ ngữ còn chưa đúng với văn phong, chuyên ngành đều được chị giải thích một cách cặn kẽ và tỉ mỉ. Chị cũng là người đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng và khơi gợi niềm đam mê công việc trong tôi. Đến sau này, khi biết chị chính là Tham tán Hải quan đầu tiên của Việt Nam tại WCO, Nguyễn Thị Khánh Hồng, tôi càng cảm thấy trân trọng quãng thời gian được làm việc và cộng tác với chị. Quãng thời gian khoảng gần 5 tháng đó đã giúp tôi rất nhiều cho công việc sau này, đặc biệt là những bản dịch trong lĩnh vực hải quan.

Đón nhận “tình cảm” từ bạn đọc quốc tế

Trong gần 1 năm vận hành Customsnews, Ban biên tập Báo Hải quan cũng như mỗi biên dịch viên luôn cố gắng tìm nhiều cách khác nhau để quảng bá hình ảnh của Hải quan Việt Nam đến với bạn bè quốc tế từ những người bạn học nước ngoài, những hiệp hội, doanh nghiệp cho đến các Đại sứ quán. Tuy nhiên, cảm giác khi hình ảnh của Hải quan Việt Nam được giới thiệu đến với hải quan các quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Nga… mới thực sự đặc biệt. Và cơ hội đó đã đến với tôi trong dịp được dự Cuộc họp Nhóm Tiểu ban thủ tục Hải quan (SCCP) APEC lần thứ nhất tại Nha Trang vào hồi tháng 2 năm nay. APEC gồm có 21 nền kinh tế thành viên, đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50 % thương mại thế giới. Mặc dù vậy, trên thực tế không phải nền kinh tế thành viên nào cũng có một tờ báo riêng cho ngành Hải quan và được dịch sang phiên bản tiếng Anh. Đó cũng chính là niềm tự hào của Báo Hải quan nói riêng, cũng như toàn ngành Hải quan nói chung trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu.

Trong lần tham dự kỳ họp SCCP APEC đầu năm 2017, tôi đã có dịp được gặp nhiều chuyên gia hải quan hàng đầu trên thế giới. Khi được hỏi về cảm nhận của mình đối với website: www.customsnews.vn, ông Andrey Klochenko, đại diện Hải quan Nga chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân tới Việt Nam. Đối với Cuộc họp SCCP lần này tại Nha Trang, tôi đánh giá cao khâu chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng Hải quan Việt Nam. Và tôi còn bất ngờ hơn khi các bạn còn có cả một website về Hải quan được dịch sang tiếng Anh, nhất là khi ngôn ngữ hải quan bằng tiếng Anh thường rất khó”.

Cũng với câu hỏi trên, ông Diego Alejandro Garcia Gonzalez, đại diện Ban thư ký APEC hào hứng chia sẻ: “Việc có một website bằng tiếng Anh tập trung về lĩnh vực hải quan sẽ giúp Việt Nam thu hút được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp nước ngoài hơn. Và tôi cho đây là một ý tưởng rất tốt”.

Có mặt trong các phiên họp của SCCP APEC 2017 tại Việt Nam, đại diện Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), ông Toshihiko Osawa cho biết: “Tôi đến Việt Nam với vai trò là quan sát viên của WCO. Dù chưa có nhiều thời gian nghiên cứu về website: www.customsnews.vn mà bạn giới thiệu cho tôi, nhưng tôi thấy nội dung của website khá phong phú và cập nhật. Tôi hy vọng website của các bạn sẽ được nhiều độc giả đón đọc”.

Cho đến nay, sau gần 1 năm ra đời, phiên bản tiếng Anh của Báo Hải quan điện tử (http://customsnews.vn) đã thu hút được trung bình 6.000 lượt truy cập/ tháng. Với số lượng trung bình khoảng 10 biên dịch viên và cộng tác viên, cùng sự quyết tâm, không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức, chúng tôi luôn tin tưởng rằng trong tương lai không xa, hình ảnh Hải quan Việt Nam nói chung và Báo Hải quan nói riêng sẽ ngày càng để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc.


Báo Hải quan điện tử phiên bản tiếng Anh gồm có 7 chuyên mục chính, đó là: Headlines (tin tức thời sự- chính trị trong nước và quốc tế); Customs (tin tức về các mặt hoạt động của Hải quan Việt Nam); Finance (tin tức về lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân sách…), Regulations (tin tức về chính sách pháp luật); Anti-Smuggling (tin tức về chống buôn lậu, gian lận thương mại); Import- Export (tin tức về hoạt động xuất nhập khẩu); World Customs (tin tức về Hải quan thế giới).

Bên cạnh các chuyên mục trên, Báo Hải quan điện tử phiên bản tiếng Anh còn có chuyên mục Dịch vụ (Services) nhằm cung cấp thông tin bổ trợ cho bạn đọc, bao gồm: Q&A (Hỏi đáp), Legal Documents (Văn bản pháp luật) và Customs statistics (Thống kê hải quan).

 

[ad_2]
Nguồn liên kết

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here